Trẻ em cần được đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng để phát triển thể chất và trí não. Hãy cùng tìm hiểu về chế độ ăn uống lành mạnh, các nhóm dưỡng chất và thực phẩm thiết yếu cho sức khỏe và quá trình tăng trưởng phát triển ở trẻ.
Chế độ ăn uống lành mạnh là gì? Tại sao cha mẹ nên tập bé có thói quen ăn uống lành mạnh từ những năm đầu đời?
Dù ở độ tuổi nào thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày đóng vai trò vô cùng thiết yếu cho sức khỏe của mỗi người. Ăn uống lành mạnh là chế độ ăn uống những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đảm bảo bổ sung đa dạng những chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể khỏe mạnh, chống lại bệnh tật và kiểm soát cân nặng. Nghiên cứu cho thấy thói quen ăn uống những năm tháng đầu đời ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta cả giai đoạn thơ ấu và trưởng thành. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng cho trẻ sẽ thúc đẩy sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Trẻ em trên 1 tuổi nên được cho ăn thức ăn đa dạng từ các nhóm thực phẩm để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể.
Vậy các nhóm thực phẩm nào cần bổ sung cho trẻ?
Có 4 nhóm dưỡng chất chính cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể là Carbohydrate (nhóm chất bột đường), protein (chất đạm), chất béo, vitamin và khoáng chất. Để dễ dàng hơn cho chúng ta nhận biết các loại thực phẩm cần bổ sung, các nhà khoa học đã phân loại thành 5 nhóm thưc phẩm chính cần thiết cho bữa ăn hàng ngày:
– Nhóm ngũ cốc, các loại hạt: bao gồm bánh mì, gạo, pasta, mỳ, hạt quinoa, yến mạch,… Những thực phẩm này là nguồn carbohydrate cung cấp cho trẻ năng lượng cần thiết để lớn nhanh, phát triển và học tập. Cha mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm nguyên cám với hàm lượng chất xơ cao, chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe của trẻ.
– Nhóm rau củ: là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và các dưỡng chất thực vật. Nhóm này được khuyến khích dùng ở mọi bữa ăn vì các lợi ích sức khỏe của nó. Một số thí dụ các loại rau của quả cho bé như bông cải xanh, carot, rau bó xôi, cà chua, khoai lang, bí,…
– Nhóm trái cây: cũng như rau củ, trái cây cũng là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, các chất oxi hóa và chất xơ, giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh. Trẻ em được khuyên khích ăn đa dạng các loại trái cây khác nhau như chuối, táo, cam, xoài, dâu tây, việt quất, dưa hấu, kiwi,….
– Nhóm sữa và các chế phẩm từ sữa: các thực phẩm trong nhóm này cung cấp một lượng lớn calcium vô cùng quan trọng cho sự phát triển của một bộ xương chắc khỏe. Các thực phẩm tiêu biểu của nhóm này như sữa tươi, sữa chua (yoghurt), các loại phô mai cung cấp cho cơ thể protein và calcium. Trẻ có thể làm quen với nhóm thực phẩm này từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên bạn cần chắc rằng sữa mẹ và sữa công thức là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trẻ em từ 12 tháng tuổi có thể chuyển sang uống sữa tươi, và sữa nguyên kem được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì độ tuổi này trẻ cần nhiều năng lượng để tăng trưởng.
– Nhóm thịt, cá, trứng và đậu: là nguồn cung cấp protein (chất đạm) cho cơ thể. Đây là chất dinh dưỡng rất quan trọng cho cơ thể đang lớn của trẻ. Protein tiêu thụ giúp cung cấp lượng acid amin xây dựng và duy trì cơ bắp, máu, xương, các hoc môn, enzym hay các kháng thể trong hệ miễn dịch. Cha mẹ nên chọn nguồn protein đa dạng và chất lượng cao cho trẻ như các loại thịt nạc, hải sản, trứng, các loại đậu. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn cung cấp các vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm, vitamin B12 và omega3 -dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ (có nhiều trong cá hồi, cá thu, đậu nành,…)
Làm thế nào khuyến khích trẻ theo chế độ ăn uống lành mạnh?
Một số cha mẹ sẽ thấy rằng việc cho bé ăn uống đa dạng các thực phẩm từ 5 nhóm trên là một thử thách. Có thể con bạn sẽ chỉ thích ăn một số loại thực phẩm nhất định và từ chối hoàn toàn một số loại khác. Do vậy khuyến khích trẻ theo thói quen ăn uống lành mạnh có thể đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và cố gắng từ cha mẹ. Sau đây là một số “bí quyết” bạn có thể tham khảo nếu gặp khó khăn trong chế độ ăn uống của con:
– Hãy làm hình mẫu cho con. Trẻ em rất thích bắt chước bố mẹ vì vậy bạn hãy cho trẻ ngồi ăn cùng, trẻ sẽ quan sát bố mẹ ăn rau, trái cây hay thực phẩm nào bạn đang muốn khuyến khích bé. Bé cũng có thể bắt chước bạn bè, cô giáo khi đi học, hãy trao đổi với cô giữ trẻ của con bạn.
– Bạn có thể thử làm các bữa ăn đẹp mắt hơn, như cắt rau củ hình con vật bé yêu thích, làm những nắm cơm rau củ nghộ nghĩnh.
– Hãy cố gắng thử thật đa dạng các loại thực phẩm, các cách chế biến món ăn. Ví dụ bé không thích ăn táo, cam, bạn có thể thử chuối, kiwi, nho, xoài, …., hay bé từ chối các loại ăn rau nhưng rất thích món trứng chiên, bạn có thể thử trộn rau củ vào món trứng của bé.
– Bạn có thể cho con tham gia các hoạt động vui liên quan đến thức ăn. Ví dụ như giúp bạn mua sắm, lựa chọn và chuẩn bị bữa ăn, tham gia các nông trại hái rau quả,… Song song đó bạn có thể giải thích với bé lợi ích sức khỏe của món ăn, cố gắng dùng ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu cho bé.
– Giới hạn các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe hiện diện trong nhà bạn: các loại thực phẩm có lượng đường, muối, hay chất béo bão hòa cao.
– Hãy không ngừng thử. Trẻ em có thể thay đổi rất nhanh, hôm nay bé không thích có thể ngày khác bé lại muốn thử, cha mẹ hãy kiên nhẫn nhé.
Kết luận
Việc tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho con đôi khi đòi hỏi rất nhiều công sức cùng sự kiên nhẫn từ cha mẹ. Tuy nhiên đây lại là nền tảng rất tốt cho sự phát triển và sức khỏe của con sau này, vì vậy cha mẹ hãy tìm hiểu và đồng hành cũng bé nhé.