Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Mỗi đứa trẻ khác nhau sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau và nhu cầu này lại thay đổi theo độ tuổi. Vì vậy, không có một hướng dẫn cụ thể nào có thể chỉ ra chi tiết thời gian và cách thức con bạn ngủ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học có thể giúp chúng ta hiểu được những thông tin cơ bản, cơ chế, xu hướng về giấc ngủ của bé. Việc hiểu rõ các kiến thức về giấc ngủ của trẻ sẽ giúp cha mẹ chăm sóc con tốt hơn cũng như có những phương pháp hình thành các thói quen ngủ ngoan cho trẻ.
Trẻ sơ sinh ngủ như thế nào và bao nhiêu là đủ?
Nhiều cha mẹ có thể băn khoăn về việc trẻ sơ sinh cần ngủ bao lâu và bao nhiêu giấc là đủ. Mỗi trẻ sơ sinh khác nhau có cách ngủ khác nhau và thường không có lịch trình ổn định khi mới bắt đầu. Trẻ mới sinh không có khái niệm “ngày thức đêm ngủ” như người lớn. Vào giai đoạn đầu khi vừa mới được sinh ra, trẻ dành hầu hết thời gian trong ngày để ngủ nhưng chỉ ngủ những giấc ngắn. Đó là do trẻ có dạ dày nhỏ nên phải ăn mỗi vài giờ do đó khó có giấc ngủ dài.
Nhìn chung, trẻ mới sinh ngủ khoảng 8 đến 9 giờ ban ngày và khoảng 8 giờ vào ban đêm. Hầu hết các bé không ngủ xuyên đêm cho đến mốc 3 tháng tuổi, hoặc khi cân nặng đạt 6 kg. Thống kê cho thấy khoảng 2/3 trẻ có thể ngủ xuyên đêm vào khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, điều này cũng khác nhau ở mỗi đứa trẻ và một số bé không ngủ xuyên đêm cho đến gần 1 tuổi.
Bạn nên quan sát ghi nhận những thay đổi trong nếp ngủ của bé và tìm đến tư vấn của bác sĩ nếu cần thiết. Một vài xáo trộn trong giấc ngủ có thể đơn giản là do các thay đổi trong cơ thể bé để đạt một cột mốc phát triển mới hoặc bé bị kích thích qua mức do các hoạt động ban ngày.
Khi trẻ lớn dần, tổng thời gian ngủ sẽ giảm đi nhưng giấc ngủ sẽ dài hơn. Dưới đây là tổng hợp thời gian ngủ được khuyến cáo cho các lứa tuổi của trẻ được ghi nhận từ Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia của Hoa Kỳ (The National Sleep Foundation – NSF). Các khuyến cáo này là tổng thời gian ngủ cả ngày lẫn đêm. Một điều ba mẹ nên chú ý là mỗi khuyến cáo là một khoảng thời gian dao động khá rộng vì nhu cầu về giấc ngủ của mỗi đứa trẻ đều không giống nhau. Có một số trẻ sẽ ngủ nhiều hoặc ít hơn một chút so những trẻ khác.
Độ tuổi | Tổng thời gian ngủ/ ngày đêm |
0-3 tháng tuổi | 14-17 giờ |
4-11 tháng tuổi | 12-15 giờ |
1-2 tuổi | 11-14 giờ |
3-5 tuổi | 10-13 giờ |
6-13 tuổi | 9-11 giờ |
Các trạng thái và chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh
Trước tiên chúng ta nên tìm hiểu một chút về giấc ngủ của người lớn. Khi ngủ chúng ta đi qua nhiều trạng thái khác nhau, bắt đầu với ngủ nông (light sleep), rồi dần bước vào giai đoạn ngủ sâu (deep sleep), và kết thúc với ngủ cử động mắt nhanh (REM) – trạng thái ngủ thường gắn liền với những giấc mơ do sự gia tăng hoạt động của não bộ, đồng thời cơ bắp tạm thời tê liệt. Ở trạng thái ngủ REM, cơ thể thường nằm im, các cơ bắp không di chuyển trừ khi các vấn đề về rối loạn giấc ngủ. Một chu kỳ ngủ kéo dài khoảng 90-100 phút, sau đó chúng ta sẽ tỉnh giấc hoặc lặp lại chu kỳ ngủ. Qua mỗi chu kỳ ngủ, chúng ta thường trải qua nhiều trạng thái tỉnh giấc tạm thời trước khi nhanh chóng trở lại chu kỳ giấc ngủ.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh cũng có điểm tương đồng với người lớn, tuy nhiên các bé có nhiều khác biệt trong các trạng thái ngủ, bao gồm một phiên bản khác biệt của trạng thái ngủ REM, còn gọi là ngủ động (active sleep).
Chu kỳ ngủ của các bé ngắn hơn, trung bình kéo dài khoảng 40-60 phút. Mỗi chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh có cả giấc ngủ động (REM) và giấc ngủ tĩnh. Đáng chú ý là thời gian ngủ động của trẻ rất nhiều. Trong khi trung bình ngủ REM chỉ chiếm khoảng 20% thời gian ngủ của người lớn thì đối với trẻ sơ sinh nó chiếm đến 50% chu kỳ ngủ. Thời gian ngủ REM sẽ giảm khi bé lớn dần. Tuy nhiên, sự thay đổi này khá chậm,và một em bé 9 tháng tuổi vẫn có giấc ngủ REM chiếm 50% tổng thời gian ngủ.
Như đã nói trên, cơ thể người lớn chúng ta thư giãn, các cơ không di chuyển khi ngủ REM. Nhưng đối với các bé mới sinh, đặc biệt là dưới 3 tháng, REM là một trạng thái ngủ động, khi đó bé rất dễ giật mình, tỉnh giấc khi có tác động từ bên ngoài. Ba mẹ thường thấy các bé vặn vẹo, trở người, đôi khi tạo ra tiếng ồn như cười, khóc thút thít. Ngược lại, trong giai đoạn ngủ tĩnh bé nằm yên, nhịp thở sâu và đều đặn, bé hầu như không động đậy và khó đánh thức hơn.
Đây là lý do chính mà nhiều ba mẹ có cảm giác con mình ngủ rất ít mà lại rất dễ thức giấc. Thực tế, có thể bạn đã đọc sai tín hiệu và vô tình quấy rầy giấc ngủ của bé. Đôi khi bạn nghe bé thút thít, thấy bé động đậy, thậm chí mở mắt và muốn ngay lập tức vỗ về, nói chuyện hoặc bế bé lên, nhưng thực ra bé đang trong giấc ngủ REM hoặc trong giai đoạn tỉnh giấc ngắn trước khi vào chu kỳ ngủ mới. Việc can thiệp quá sớm này có thể làm mất cơ hội cho bé tự mình quay lại giấc ngủ của mình và lâu dài sẽ thành thói quen bé cần nhiều tương tác với mẹ trong giấc ngủ.
Để tránh điều này, mẹ hãy kiên nhẫn quan sát trước khi tương tác với bé trong giấc ngủ, nhất là ban đêm. Tìm hiểu các thói quen ngủ của bé và nhớ là các tín hiệu từ bạn, đặc biệt là âm thanh giọng nói có thể có các tác động mạnh đến bé khi bé đang trong giấc ngủ REM. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bé dễ dàng tỉnh giấc khi nghe giọng nói của mẹ hơn là nghe tiếng chuông báo khói.
Vậy tại sao các bé có quá nhiều thời gian ngủ động?
Bạn có tự hỏi tại sao tạo hóa không cho bé ngủ ngon và sâu giấc nhiều hơn? Chẳng phải điều đó tốt hơn cho cả bé và bạn sao? Thực tế, ngủ REM đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển não bộ của bé. Suốt thời gian ngủ REM hơi thở và nhịp tim của trẻ thường tăng nhanh, não tiêu thụ nhiều oxy và hoạt động mạnh như khi thức giấc. Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ REM giữ vai trò quan trọng giúp tạo ra các kết nối thần kinh cần thiết cho sự phát triển của não bộ.
Mọi thứ em bé trải nghiệm trong những tháng đầu đời ngoài bào thai mẹ vô cùng mới mẻ. Bé bắt đầu nhìn thấy, cảm nhận âm thanh, mùi vị, các tương tác. Não của bé cần thời gian để xử lý mọi thứ mới mẻ đó – đó là một phần lý do tại sao bé ngủ nhiều. Giấc ngủ REM góp phần hỗ trợ xử lý các thông tin, hình ảnh góp nhặt trong ngày, làm nền tảng cho việc học tập, ghi nhớ, phát triển của trẻ cả lúc nhỏ lẫn khi trưởng thành.
Ngoài ra, trẻ trong những tháng đầu đời rất dễ bị tổn thương và không có nhiều năng lượng dự trữ. Giai đoạn ngủ động các bé có khuynh hướng rất dễ tỉnh giấc, có thể giúp bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ tiềm tàng. Khi trẻ đói bụng hay cảm thấy khó chịu sẽ thức dậy và “báo động” cho ba mẹ kịp thời. Giai đoạn ngủ này còn được cho là để giúp bảo vệ trẻ khỏi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bé đang trong giấc ngủ REM sẽ nhanh chóng tỉnh giấc khi lượng oxy bị sụt giảm, trong khi đó các bé ngủ sâu phản ứng chậm hơn. Do vậy, ngủ REM có liên quan mật thiết đến bản năng sinh tồn của bé trong những năm tháng đầu đời.
Các dấu hiệu khi bé buồn ngủ và cách giúp con bạn ngủ ngoan
Cha mẹ nên quan sát và nhận biết các dấu hiệu khi con mình bắt đầu buồn ngủ và từng bước giúp con hình thành nếp ngủ ngoan, học cách tự ngủ. Các bé sẽ có các tín hiệu sau khi buồn ngủ:
- Dụi mắt
- Ngáp
- Mắt lờ đờ, nhìn vô định không tập trung
- Cau có, dễ quấy khóc
Điều đáng chú ý là các bé mới sinh có thể không biết cách tự đưa mình vào giấc ngủ, và tự ngủ lại khi thức giấc giữa đêm. Nhiều cha mẹ thường dỗ dành, đung đưa hay cho bé bú để giúp bé ngủ. Cách tốt nhất là tạo thói quen đi ngủ nhất quán cho bé. Đừng để bé ngủ trên tay bạn, nó có thể trở thành thói quen và bé sẽ chỉ có thể ngủ khi được bạn ôm. Khi bé tỉnh giấc bất chợt giữa đêm bé sẽ không biết cách tự ru ngủ lại.
Nghiên cứu cho thấy việc ôm ấp vỗ về bé vào ban ngày có thể giúp bé cảm thấy an tâm và vui vẻ hơn. Các bé có nhiều cảm giác an toàn hơn sẽ dễ dàng chấp nhận việc tạm thời xa cách cha mẹ hơn, đặc biệt là vào buổi đêm. Do đó, đừng ngần ngại âu yếm, trấn an con bạn khi có thể. Một số cách sau đây cũng có thể giúp con bạn học cách tự ngủ:
- Sắp xếp các giấc ngủ ngày hợp lý đúng theo nhu cầu độ tuổi của bé
- Không có các hoạt động kích thích quá mức trước giờ ngủ đêm
- Tạo các thói quen trước giờ ngủ như tắm, đọc sách, vỗ về
- Mở các bài nhạc êm dịu khi bé bắt đầu buồn ngủ
- Cho bé làm quen với một vật nào đó làm bé cảm thấy thoải mái, an toàn như thú bông hay chăn mỏng. Tuy nhiên không nên giới thiệu trước khi bé có thể tự ngồi và lăn để ngăn ngừa việc bé bị ngạt gây hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh.
- Nhẹ nhàng đặt bé vào giường/cũi khi bé bắt đầu lơ mơ nhưng vẫn chưa ngủ
- Vỗ về, an ủi bé khi bé lo lắng, khóc.
- Khi tỉnh giấc vào ban đêm, trấn an bé bằng cách vỗ nhẹ hay vuốt ve, tránh ôm bé ra khỏi giường/cũi.
- Nếu bé khóc, bạn có thể chờ vài phút, trước khi quay trở lại vỗ về, vuốt ve bé. Sau đó bạn có thể tạm biệt bé và rời đi. Điều này có thể lặp lại nếu cần thiết.
Điều quan trọng là cha mẹ nên nhớ thật nhất quán trong cách tạo thói quen ngủ cho bé. Đây là yếu tố then chốt để dần hình thành lịch sinh hoạt ổn định cho bé. Những chia sẻ trên đây hy vọng giúp cha mẹ hiểu hơn về giấc ngủ của con mình, góp phần đem lại sự tự tin trên hành trình nuôi dạy và chăm sóc bé.