DHA là gì? Khi nào nên bổ sung DHA cho bé?

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời luôn được các bậc cha mẹ quan tâm với mong muốn giúp con mình phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ. DHA là một trong số các dưỡng chất không thể thiếu để giúp tăng cường trí não cho trẻ. Vậy hãy cùng tìm hiểu DHA là gì? Khi nào nên bổ sung DHA cho bé?

DHA là gì?

DHA có tên đầy đủ là Docosahexaenoic acid, là một loại acid béo quan trọng thuộc nhóm omega-3. DHA là thành phần chính và không thể thiếu của não bộ và võng mạc mắt ở người.  DHA còn đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển phôi thai. Nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt DHA có thể dẫn đến những vấn đề về thị giác, học tập ghi nhớ.

Dù rất cần thiết, cơ thể chúng ta lại không thể tự tổng hợp DHA được, do đó nó cần được bổ sung vào từ nguồn thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung.

Vai trò của DHA trong sự phát triển của trẻ

Những năm đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng cho sự phát triển và hoàn thiện trí não ở trẻ, có ảnh hưởng lâu dài đến trí thông minh, khả năng học tập, tư duy của con người những năm về sau. Các bậc cha mẹ có thể giúp con mình đạt được sự tăng trưởng tối ưu thông qua chế độ dinh dưỡng. Và DHA là dưỡng chất không thể thiếu cần quan tâm bổ sung cho trẻ bởi vì các lợi ích sau của nó:

1. Sự phát triển trí não:

Trong những năm đầu đời quan trọng, não bộ đi qua quá trình phát triển và hoàn thiện. Sự hiện diện của DHA vô cùng thiết yếu cho sự phát triển chức năng trí não và hệ thần kinh suốt giai đoạn này. Trong 2 năm đầu sau sinh, não bộ đi qua thời kỳ phát triển quan trọng nhất trong việc tăng khối lượng của não. Những năm sau, sự phát triển này lại tập trung vào các hoạt động nhận thức cao hơn như học tập, lên kế hoạch, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tập trung. Những khả năng này đều có ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ khi trưởng thành.

Sau khi sinh ra, quá trình phát triển não của trẻ tăng nhanh mạnh mẽ. Trong năm đầu tiên, não tăng trưởng 175% . Cho đến khi bé được 2 tuổi, kích thước não của bé đã đạt được 3/4 kích thước não người trưởng thành, theo sau đó là 18% vào năm thứ 2 và chỉ 21% từ 2 tuổi đến tuổi trưởng thành. Và điều quan trọng là DHA giữ vai trò then chốt trong sự tăng trưởng này.

Sự tích lũy của DHA trong não cung cấp một nền tảng thiết yếu cho sự phát triển nhận thức, cảm xúc, xã hội và hành vi ở trẻ em. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Epidemiology and Global Health, trẻ em có lượng DHA cao hơn có xu hướng thể hiện các kỹ năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và xử lý thông tin cao hơn khi chúng phát triển từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi trưởng thành.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Plos-one, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá trên những đứa trẻ từ 7 đến 9 tuổi  có thành tích kém trước đây. Kết quả cho thấy có mức độ cải thiện đáng kể về khả năng đọc, ghi nhớ và hành vi sau khi chúng được cho áp dụng chế độ ăn uống chứa 600mg DHA/ngày. Nghiên cứu này có ý nghĩa giúp khẳng định tầm quan trọng của DHA đối với nhận thức trẻ nhỏ.

Một điều cần lưu ý là 1/3 não con người phát triển trong thời kỳ bào thai – đặc biệt vào tam cá nguyệt thứ 3. Vì vây, phụ nữ có thai và cho con bú rất cần được bổ sung đủ lượng DHA cần thiết cho sự phát triển tối ưu của bé.

2. Tăng cường sức khỏe của mắt

Một vai trò quan trọng khác của DHA là ảnh hưởng của nó đến sự phát triển thị giác ở trẻ. Các nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa lượng DHA cao và đôi mắt khỏe mạnh. Với thành phần chiếm khoảng 60% axit béo không bão hòa đa trong võng mạc, tầm ảnh hưởng của DHA đến chức năng tổng thể của mắt là tất yếu.

Trong suốt 8 năm đầu đời, DHA giữ vai trò thiết yếu trong sự phát triển các chức năng thị giác. Trong những năm về sau, DHA trở thành tác nhân bảo vệ chống lại sự thoái hóa và tác động bởi các tác nhân gây hại từ môi trường. Do vậy, DHA rất cần thiết được bổ sung đầy đủ trong chế độ ăn uống.

Trong một nghiên cứu kiểm tra mối quan hệ giữa hàm lượng DHA trong sữa mẹ, DHA trong tế bào hồng cầu và thị lực của trẻ sơ sinh, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng những trẻ có DHA trong máu cao nhất là những trẻ được tiêu thụ sữa mẹ có hàm lượng DHA cao nhất. Chúng cũng thể hiện độ rõ nét cao nhất của thị giác.

3. Có thể hỗ trợ trẻ ADHD

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là hội chứng trẻ có tính khí bốc đồng, khó tập trung, hiếu động thái quá. Hội chứng này được cho là đa phần có liên quan đến sự thiếu hụt DHA. Một trong những chức năng của DHA là giúp cải thiện lưu lượng máu trong não, giảm căng thẳng, rất có lợi đối với trẻ ADHD. Nhiều nghiên cứu cho thấy, DHA có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng và tinh thần của một đứa trẻ mắc ADHD.

Nghiên cứu của Đại học Oxford chỉ ra rằng hàm lượng omega-3 trong máu tăng khả năng học tập và cải thiện cách cư xử của trẻ. Nghiên cứu dài 16 tuần thực hiện trên 362 trẻ bằng cách cho trẻ bổ sung 600mg DHA mỗi ngày. Kết quả ghi nhận nhóm trẻ được bổ sung DHA cho thấy được sự cải thiện đáng kể về các hành vi bốc đồng,  giảm 8% gấp đôi so với nhóm trẻ dùng giả dược.

Trong một nghiên cứu khác dài 16 tuần ở 40 bé trai mắc ADHA , sử dụng 650 mg DHA và EPA hằng ngày kết hợp các loại thuốc điều trị khác, kết quả cho thấy mức giảm 15% ở các vấn đề về mức độ chú ý tập trung, so với mức tăng 15% ở nhóm dùng giả dược.

Các loại thức phẩm chứa nhiều DHA:

Nguồn thực phẩm dồi dào DHA nhất là các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích,… và kế đến là một số loại hải sản như hàu, tôm. DHA cũng tìm thấy trong các loại tảo biển, một lựa chọn cho những người ăn chay. Hầu hết các bé có thể bắt đầu làm quen với nguồn thực phẩm cá từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên các mẹ cần lưu ý nguy cơ dị ứng cũng như hàm lượng thủy ngân của nguồn thực phẩm này.

Cá hồi là thực phẩm giàu DHA

Các nguồn thực phẩm khác chứa DHA nhưng với hàm lượng thấp hơn các loại cá kể trên, bao gồm trứng, thịt gà và sữa từ động vật ăn cỏ. Trứng gà cũng chứa một lượng nhỏ DHA tự nhiên cùng choline rất tốt cho não bộ của trẻ. Cha mẹ có thể xem xét chọn nguồn trứng gà được làm giàu DHA nếu con bạn thích món trứng.

Một số các loại hạt như hạnh nhân, óc chó,… đươc cho là nguồn omega-3 thực vật. Tuy nhiên, cần hiểu rõ đây là nguồn chứa nhiều acid alpha-linolenic (ALA), một tiền tố của DHA. ALA sau khi vào cơ thể sẽ có thể được chuyển hóa thành DHA, đáng tiếc là lượng chuyển đổi này là khá ít và không hiệu quả. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chỉ có một tỷ lệ nhỏ ALA được chuyển đổi thành DHA. Do đó, nhóm thực phẩm này không được cho là nguồn chứa nhiều DHA.

Lượng DHA bổ sung cho trẻ bao nhiêu là đủ?

Bổ sung DHA cho trẻ như thế nào là đủ là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Đối với từng giai đoạn phát triển, trẻ cần lượng DHA khác nhau. Hiện nay, liều lượng bổ sung DHA cho từng độ tuổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa có sự thống nhất chắc chắn. Tuy nhiên, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đưa ra khuyến cáo như sau:

  • Giai đoạn 0-6 tháng tuổi: cần cung cấp cho bé lượng DHA 0.1-0.18% năng lượng nạp vào (tương đương 102 mg/ngày)
  • Giai đoạn 6-24 tháng tuổi: lượng DHA khuyến nghị nên cung cấp mỗi ngày là 10-12mg DHA/kg trọng lượng cơ thể bé.
  • Giai đoạn 2-4 tuổi: 100-150mg DHA + EPA/ ngày
  • Giai đoạn 4-6 tuổi:  150-200mg DHA + EPA/ ngày
  • Giai đoạn 6-10 tuổi: khuyến cáo tăng lên 200-250 mg DHA+EPA/ ngày
Khi nào nên dùng thực phẩm bổ sung DHA cho bé?

Tóm lại, DHA là acid béo cơ thể không thể tự tổng hợp được. Để tối ưu sự phát triển của não, mắt và các hệ thống thần kinh, trẻ nên cần được bổ sung đầy đủ DHA qua các nguồn thực phẩm giàu loại acid béo này. Thực tế trong thực phẩm ăn uống hàng ngày và nguồn sữa mẹ cũng đã chứa lượng tương đối lớn dưỡng chất này đáp ứng được nhu cầu cho trẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng thích thú với việc ăn uống các loại thực phẩm kể trên. Thực tế, một số trẻ em rất kén ăn và có thể cơ thể không được cung cấp đầy đủ lượng DHA cần thiết. Nếu con bạn không hay ăn cá hay các loại thực phẩm giàu DHA, cha mẹ có thể xem xét nguồn DHA từ các loại thực phẩm bổ sung như sữa DHA, cốm dinh dưỡng,…. Bạn nên tham khảo tư vấn từ người có chuyên môn và lựa chọn sản phẩm chất lượng phù hợp với độ tuổi của con mình.

Đối với trẻ sơ sinh, việc cho bé bú sữa mẹ trong 24 tháng đầu đời là cách bổ sung DHA tốt nhất cho trẻ. Nếu không thể, mẹ nên lựa chọn các loại sữa công thức có bổ sung DHA cho bé.

1 thought on “DHA là gì? Khi nào nên bổ sung DHA cho bé?”

  1. Pingback: Cốm trí não Noben Kid tốt không? Mua hàng chính hãng ở đâu? - beyeuvame.com

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.