Cùng tìm hiểu các phương pháp ăn dặm cho bé

Ăn dặm là quá trình bé bắt đầu làm quen với các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ hay sữa công thức. Đây là một cột mốc quan trọng trong năm đầu đời của con, tuy nhiên cha mẹ có thể cảm thấy bối rối trong việc lựa chọn một phương pháp ăn dặm phù hợp cho con mình. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các phương pháp ăn dặm thông dụng hiện nay cũng như ưu và nhược điểm của chúng. Không có phương pháp nào là tuyệt đối, vì vậy hy vọng cha mẹ sẽ lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất cho gia đình mình.

Khi nào nên cho bé ăn dặm?

Thời gian bắt đầu ăn dặm thường là vào khoảng 6 tháng tuổi, khi mà bé bắt đầu cần nhiều hơn các chất dinh dưỡng mà bé nhận từ sữa. Bạn có thể quan sát để biết con mình đã sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa qua các tín hiệu sau:

– Bé có thể tự ngồi tốt và cần rất ít sự trợ giúp

– Bé kiểm soát cổ tốt, giữ thẳng đầu

– Bé có thể tự cầm nắm thức ăn và đưa vào miệng

– Bé có phản xạ đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa.

– Bé tỏ ra thích thú với thức ăn của bạn.

Các bé thường bắt đầu ăn dặm khi được 6 tháng tuổi
Các bé thường bắt đầu ăn dặm khi được 6 tháng tuổi

Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thê giới (WHO) đều khuyến cáo cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi và có đầy đủ các dấu hiệu sẵn sàng cho việc ăn dặm như trên. Mặc dù mỗi đứa trẻ phát triển khác nhau, và có thể bắt đầu ăn dặm sớm hay muộn hơn, bạn không nên cho bé bắt đầu ăn dặm trước 4 tháng tuổi. Dưới đây là một số lí do tại sao trẻ được khuyến cáo ăn dặm ở 6 tháng tuổi:

– Sữa mẹ (hay sữa công thức) cung cấp đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng bé cần trong 6 tháng đầu đời. Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp các kháng thể giúp cơ thể bé chống lại bệnh tật, tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của bé. Vì vậy, khi mẹ cho bé ăn dặm sớm, bé sẽ bỏ lỡ nhiều dưỡng chất quan trọng từ sữa mẹ.

– Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn còn đang phát triển vì vậy hãy đợi đến 6 tháng để cơ thể con hoàn thiện hơn cho việc hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.

– Sau 6 tháng tuổi các cơ quan và kỹ năng của bé phát triển hoàn thiện hơn, bé có thể dễ dàng cầm nắm thức ăn cho vào miệng, nhai, nuốt, giảm nguy cơ nghẹn, hóc.

Các phương pháp ăn dặm

Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến: Ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, và ăn dặm bé chỉ huy (BLW)

Ăn dặm truyền thống:

Cũng như tên gọi, đây là phương pháp rất quen thuộc và đươc sử dụng từ lâu qua nhiều thế hệ ở Việt Nam. Trẻ đến tuổi ăn dặm sẽ được đút cho thức ăn được xay nhuyễn bao gồm cháo, thịt và rau củ trộn chung. Dần dần khi bước sang giai đoạn mọc răng bé sẽ được cho ăn cháo và cuối cùng là cơm.

Ưu điểm:

– Đơn giản, tiết kiệm thời gian, phù hợp với cha mẹ bận rộn. Phương pháp này còn rất quen thuộc với thế hệ ông bà nên cha mẹ sẽ dễ được ủng hộ, giúp đỡ hơn.

– Bạn dễ dàng biết được lượng thức ăn bé ăn vào và đảm bảo bé có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất.

– Thức ăn xay nhuyễn dễ hấp thụ cho hệ tiêu hóa của bé hơn

– Ít nguy cơ nghẹn và hóc thức ăn

– Gọn gàng hơn, bạn không phải dọn dẹp nhiều sau bữa ăn

Nhược điểm:

– Bé không cảm nhận đươc mùi vị thức ăn riêng của từng loại thức ăn nên dù phương pháp này chú trọng đến lượng và chất bé ăn vào nhưng lại không kích thích hứng thú và chủ động trong việc ăn uống, dễ dẫn đến biếng ăn

– Bé ăn thức ăn xay nhuyễn nhiều có thể ảnh hưởng tới khả năng ăn thô, khả năng nhai và nuốt kém hơn

Do đó nếu gia đình chọn phương pháp ăn dặm truyền thống thì nên chú ý thời điểm tăng thô cho bé, bé nên tập kỹ năng nhai và xử lý thức ăn đúng độ tuổi, tránh tình trạng ăn bột nhuyễn quá lâu. Hơn nữa cha mẹ nên hiểu và tôn trọng các tin hiệu ăn uống của con, không thúc ép ăn khi con đã quay đầu từ chối, không tập các thói quen xấu khi ăn như xem tivi, đi rong.

Ăn dặm kiểu Nhật:

ADKN là phương pháp gần đây được các bậc cha mẹ Việt quan tâm và tìm kiếm rất nhiều. Theo phương pháp này trẻ sẽ bắt đầu ăn dặm trong khoảng từ 5-6 tháng tuổi, và bắt đầu với cháo loãng tỷ lệ 1:10 qua rây chứ không ăn bột nhuyễn. Các loại thức ăn khác như rau xanh, thịt, cá cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp cho độ tuổi của bé. Các thức ăn đều được để riêng vào từng bát với màu sắc bắt mắt và bé sẽ được cho ăn từng món ăn riêng rẽ.

Ưu điểm:

– ADKN chú ý đến quá trình tăng độ thô cho thực phẩm bé ăn, do vậy bé được tập khả năng nhai nuốt và xử lý thức ăn rất tốt.

– Bé học được cách phân biệt mùi vị các món ăn, định hình sở thích ăn uống từ sớm. Sau khi bé đã làm quen với các vị, bạn có thể kết hợp các loại thực phẩm nấu với nhau để kích thích ăn uống, hạn chế được tình trạng biếng ăn

– ADKN không sử dụng gia vị mà dùng vị ngọt tự nhiên của rau củ quả, tập cho bé thói quen ăn nhạt tốt cho sức khỏe sau này. Bé cũng được cung cấp đầy đủ dưỡng chât ở 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, vitamin và chất đạm.

– Phương pháp này cũng khuyến khích con ăn uống tự lập, học cách dùng thìa, bốc nhón.

Nhược điểm:

-Đây là phương pháp tốn thời gian và công sức nhất trong 3 phương pháp vì vậy không phù hợp với cha mẹ bận rộn.

– Mẹ dễ bị stress vì đây là phương pháp khá cầu kỳ, tốn nhiều thời gian trong khâu chế biến, nếu con không hợp tác ăn một số mẹ sẽ cảm thấy thất vọng, muốn bỏ cuộc.

Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW):

Đây là phương pháp khá phổ biến ở các nước phương Tây nhưng bắt đầu được chú ý ở Việt Nam gần đây. Với phương pháp ăn dặm BLW, bé sẽ không ăn bột quấy hay cháo loãng mà từ ban đầu bé sẽ được trải nghiệm tự cầm nắm, cảm nhận và thưởng thức hương vị của các loại thực phẩm khác nhau. Thức ăn sẽ được chế biến và cắt thành thanh dài để bé dễ dàng bốc và cho vào miệng. Bé được tự quyết định sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu và khi nào thì dừng lại.

Ăn dặm bé chỉ huy

Ưu điểm:

– Bé hoàn toàn chủ động trong việc ăn uống, tự khám phá mùi vị, màu sắc các món ăn, tự quyết định lương ăn nên bé sẽ cảm thấy thích thú với việc ăn uống và không bị ăn quá mức cơ thể cần.

– Giúp trẻ phát triển các kỹ năng ăn thô, phản xạ nhai nuốt, khả năng xử lý thức ăn.

– Bé có thể tham gia ngồi ăn cùng gia đình.

– Đơn giản, dễ chế biến, không tốn nhiều thời gian.

Nhược điểm:

– Bù cho khâu chế biến đơn giản, mẹ có thể tốn nhiều thời gian để dọn dẹp sau mỗi bữa ăn, nhất là trong thời gian đầu khi bé có thể dành nhiều thời gian “khám phá” thức ăn.

– Bé sẽ hầu như ăn rất ít trong giai đoạn đầu do bé đang học các kiểm soát đưa thức ăn vào miệng cũng như kỹ năng nhai nuốt.

– Bé có nguy cơ bị nghẹn, hóc do tiếp xúc với thức ăn thô sớm, mẹ nên chuẩn bị cho mình kỹ năng xử lý trong các tình huống và luôn theo sát con trong giai đoạn đầu.

– Phương pháp này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, mẹ có thể vấp phải sự phản đối từ các thành viên gia đình

Kết luận:

Như vậy, các phương pháp ăn dặm đều có ưu nhược điểm nhất định. Lựa chọn đúng đắn nhất là lựa chọn phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất cho bạn, con bạn và gia đình bạn. Vì vậy, ngoài tìm hiểu đầy đủ kiến thức bạn có thể thử nghiệm các phương pháp khác nhau, thậm chí linh hoạt kết hợp các phương pháp để con có trải nghiệm ăn dặm thật thú vị.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.